TẢN MẠN VỀ ĐỊA NGỤC, THIÊN ĐÀNG

TẢN MẠN VỀ ĐỊA NGỤC, THIÊN ĐÀNG

Ngày đăng: 03/10/2023 01:32 PM

    Tản mạn về địa ngục, thiên đàng

       Con người ai cũng có ước mơ. Kẻ thì mơ cảnh giàu sang, người thì mơ được thông minh, xinh đẹp, người khác lại mơ được nổi tiếng… Cứ 100 người thì có lẽ đã có đến 101 ước mơ!

       Hễ đời sống thực tế càng bế tắc thì con người lại càng ước mơ nhiều, để bù đắp vào những cái còn thiếu trong cuộc sống. Cũng như khi đời sống nội tâm càng nghèo nàn thì người ta càng hướng về ngoại vật.

       Nhưng có lẽ ước mơ muôn thuở của tất cả loài người - kể từ thời nguyên thủy cho đến thời hiện đại, và còn kéo dài mãi đến khi vào con người còn tồn tại - là được đến một cõi bình yên sau khi chết.

       Cõi đó được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: thiên đàng, thiên giới, nước của Chúa, Tây phương Cực lạc, Niết-bàn, Bồng lai tiên cảnh, cõi vĩnh hằng v.v….

       Nhưng dù có được gọi bất kỳ danh xưng nào đi nữa thì chúng cũng đều chỉ chung cho một cõi bình yên vĩnh cửu và lạc phúc vô biên mà con người muốn hướng đến, sau khi lìa bỏ cái cõi thế phù du đầy biến động này.

       Tôn giáo nào cũng xây dựng nên cõi vĩnh hằng đó để làm chỗ an trú đời đời cho tín đồ sau khi chết. Và muôn triệu tín đồ khắp nơi đều lo toan tìm mọi cách xin cho được “visa” để nhập cư vào chốn đó.

       Cõi chết vẫn mãi mãi là một điều vô cùng bí ẩn đối với con người. Đó là một vùng đất huyền bí mà sau khi đặt chân đến đó thì ta không còn đường quay về lại với trần gian.

     

       Cho nên nếu con người lý giải được bản chất của cái chết thì có lẽ tôn giáo không còn lý do để tồn tại nữa. Người ta làm việc thiện, dốc lòng tin tưởng thánh thần, xây đền tạc tượng, thậm chí bỏ cả tiền bạc ra để hối lộ thần linh - cả một cảnh tượng huyên náo đang diễn ra ầm ĩ nơi trần thế cả hàng ngàn năm qua - cũng chỉ để tìm cách chen nhau vào chốn được hình dung là cõi tĩnh lặng muôn đời kia.

     

       Ngay cả Phật giáo là một tôn giáo chủ trương chối bỏ thần linh, khước từ thế giới của chư thần, chỉ dùng trí tuệ quán chiếu vào bản chất như thực của cuộc sống để đạt đến trạng thái giải thoát;

     

       vậy mà trải qua mấy ngàn năm truyền giáo, vô số chư vị Bồ-tát quảng đại thần thông cùng chư thần lần lượt được sản sinh ra - do cuộc hôn phối với các tín ngưỡng bình dân bản địa - và xuất hiện khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới để đáp ứng lại tín ngưỡng bình dân đó của đại chúng.

     

    ......Ta có thể gọi đó là mê tín, nhưng chính cảnh tượng đó đã khiến cho trần gian thêm hương sắc. Nếu hoạt động tôn giáo chỉ gói gọn trong việc tĩnh tọa nơi thâm sơn cùng cốc, trong các thảo am u tịch, hay các cuộc vấn đáp tại các thiền đường để thể nghiệm và hội nhập chân lý, hoặc ngồi cầu nguyện trong cô tịch để nhận được thiên khải từ Thượng đế v.v... thì những ngày đại lễ như Phật đản hay Noel nơi trần gian ắt sẽ tẻ nhạt lắm.

     

       Có lẽ nó chỉ còn lại phần “lễ” trang nghiêm nặng nề nghi thức, mà thiếu đi sự nhộn nhịp xôn xao của phần “hội”. Mà chính phần “hội” mới thường giúp con người hăng say trong các hoạt động tôn giáo.

     

       Ước mơ được lên thiên đàng là ước mơ hoàn toàn chính đáng của loài người. Nhưng chúng ta hãy thử tự hỏi những tín đồ thuần thành, dốc lòng sùng đạo đó, những người được cho là đã “siêu thăng” hay “giải thoát” đó sẽ làm gì sau khi được vào cõi được gọi là thiên đàng hay Tây phương cực lạc?

     

       Còn những tín đồ đã chết và đang chờ Ngày phán xét cuối cùng trong hàng ngàn năm qua hiện đang làm gì và sống nơi đâu, trong vũ trụ?

     

       Được sống đời đời với cuộc sống tràn đầy lạc phúc nơi cõi đó, không còn lo chuyện áo cơm, không còn buồn sầu phiền não, ngày ngày được chiêm ngưỡng Thượng đế trong ánh hào quang rực rỡ với niềm kính sợ, được nghe thiên thần ca hát hoặc nhìn tiên nữ lượn múa trong những khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo, hoặc được sống trong các tòa lâu các làm bằng thất bảo như kinh điển mô tả v.v... ngày nào cũng trôi qua như ngày nấy cho đến vô tận, không còn đến khái niệm thời gian; đó có thực sự là cảnh giới đầy lạc phúc?

     

       Theo các chuyên gia dân số học Liên Hiệp Quốc dự đoán thì dân số thế giới đến năm 2100 sẽ vào khoảng 11 tỷ người. Giả sử đó là năm tận thế (nhiều người tin vậy!), và cứ cho rằng số người đã từng mất đi trong quá khứ - từ thuở hồng hoang khai thiên lập địa cho đến thời điểm đó - cũng bằng ngần ấy, thì đến Ngày phán xét cuối cùng sẽ có khoảng 22 tỷ người chờ được phán xét.

     

       Nếu đấng tối cao định công luận tội của mỗi người trong thời gian chỉ một giây thôi thì Ngài cũng phải mất gần 700 năm (mỗi năm có 31,536,000 giây!). Tôi thường suy luận vớ vẩn như thế nên chẳng quan tâm chi đến cái ngày mà bao người lo sợ và cái cõi mà bao người mơ ước đó.

     

    PHƯỚC THIỆN THỌ thiết kế bởi Mr. Phong 0934 988 905

     

    PHƯỚC THIỆN THỌ thiết kế bởi Mr. Phong 0934 988 905 Hotline: 0938.43.77.97 ( Anh Mười )

    PHƯỚC THIỆN THỌ thiết kế bởi Mr. Phong 0934 988 905 Hotline: 0937.944.717 ( Phát )

    PHƯỚC THIỆN THỌ thiết kế bởi Mr. Phong 0934 988 905 Email: lamtienphat93@gmail.com

    PHƯỚC THIỆN THỌ thiết kế bởi Mr. Phong 0934 988 905 Website: www.phuocthientho.com

    PHƯỚC THIỆN THỌ thiết kế bởi Mr. Phong 0934 988 905 Địa Chỉ: 330/2A Đoàn Văn Bơ, Phường 13, Quận 4, TPHCM.

    Chia sẻ: